Chủ nhật, 28/04/2024 - 21:52:59

Các hình thức lao động chính thức tại Nhật

Khi đi tìm việc làm chính thức (就職, shuushoku), mọi sinh viên nước ngoài chủ yếu sẽ phải chọn giữa 3 hình thức hợp đồng tuyển dụng chính: (1) nhân viên chính thức (正社員, sei-shain) (2) nhân viên phái cử (tức là nhân viên được cử đến công ty khách hàng làm việc tại đó, nhân viên mang cho thuê) (派遣社員, haken-shain). (3) nhân viên hợp đồng (契約社員, keiyaku-shain) (1) nhân viên chính thức (正社員, sei-shain) (2) nhân viên phái cử (tức là nhân viên được cử đến công ty khách hàng làm việc tại đó, nhân viên mang cho thuê) (派遣社員, haken-shain). (3) nhân viên hợp đồng (契約社員, keiyaku-shain)

Phần lớn mọi người đều hướng đến tìm việc nhân viên chính thức, và ngày trước thì phần lớn tuyển dụng cũng là cho vị trí nhân viên chính thức. Ngày nay thì thị trường lao động phong phú hơn, quan niệm của các công ty và cả người lao động cũng cởi mở hơn, và luật lao động cũng được thay đổi theo hướng bảo vệ người lao động hơn, nên thị trường nhân viên phái cử và nhân viên hợp đồng ngày càng nhộn nhịp.

Làm nhân viên phái cử thì có tự do, đó là có thể nhận công việc theo thời gian từ vài tuần, vài tháng, đến vài năm, có thể chọn công ty mình muốn đến làm, công việc mình muốn làm hoặc muốn thử sức. Tất nhiên là cũng tùy công ty phái cử mà việc có phong phú không, có nhiều lựa chọn không. Nhiều khi làm nhân viên chính thức thì bị stress, không thích công việc, không thích đồng nghiệp, sếp.. mà không dễ thay đổi vị trí công việc, nhưng nhân viên phái cử thì có thể xin thôi hợp đồng (tất nhiên là không thể bỏ ngang xương mà phải nói chuyện với công ty phái cử để sắp xếp).

Tuy nhiên so với nhân viên chính thức thì có những điều khoản thiệt thòi sau đây phải chú ý.

1. Không có tăng lương định kì hàng năm (定期昇給, teiki-shoukyuu)

2. Không có trợ cấp ngoài lương (手当, teate). Đặc biệt là không được trả tiền đi lại, nếu ai ở nhà xa công ty chừng 1 tiếng đi tàu thì có thể mất đến cả 1-2 vạn Yên.

3. Không có thưởng (ボーナス, bonus)

4. Phúc lợi xã hội kém (trợ cấp y tế, tiêm chủng, dịch vụ nghỉ ngơi du lịch...)

5. Phần lớn không được gia nhập bảo hiểm thất nghiệp (雇用保険, koyou-hoken), bảo hiểm y tế (健康保険, kenkou-hoken), quỹ hưu trí (厚生年金保険, kousei-nenkin-hoken). Lưu ý là bảo hiểm y tế và quỹ hưu thì người lao động có thể ký hợp đồng với dịch vụ công, đó là 国民健康保険 kokumin-kenkou-hoken, và 国民年金 kokumin-nenkin.

6. Không có nhiều ngày phép (有給休暇 yuukyuu-kyuuka, viết tắt là 有休 yuukyuu). Theo luật lao động thì làm việc 6 tháng trở lên sẽ có ít nhất 10 ngày nghỉ phép, nhưng nếu hợp đồng làm việc dưới 6 tháng thì tất nhiên không có ngày phép. Và làm việc nhiều năm thì cũng không được tăng số ngày phép hàng năm như nhân viên chính thức.

7. Có khả năng bị công ty khách hàng hủy hợp đồng làm việc trước thời hạn với lý do không đáp ứng nhu cầu.

8. Nhiều khi bị bắt làm việc trái hợp đồng (ví dụ bắt làm ngoài giờ, bắt kéo dài hợp đồng) mà không được công ty phái cử (công ty chủ quản của mình) bảo vệ tích cực. Thậm chí có khi bị dọa là nếu không nghe lời thì lần sau không giới thiệu việc cho nữa. Tất nhiên đấy là điều vi phạm quan hệ lao động nên có thể báo cho cảnh sát, hoặc cho Cục Lao Động địa phương. Hoặc có thể kiện thiệt hại.

Làm nhân viên hợp đồng thì là có điểm giống nhân viên chính thức và có điểm giống nhân viên phái cử. Nhân viên hợp đồng là ký hợp đồng lao động trực tiếp với công ty mình làm việc như nhân viên chính thức, có khác là có thời hạn như nhân viên phái cử vậy. Nhân viên hợp đồng cũng có ngày phép, có bảo hiểm các loại như nhân viên chính thức, nhưng lương bổng, thăng tiến, các loại trợ cấp ngoài lương thì thiệt thòi tương tự như nhân viên phái cử vậy. Nói chung là cực chẳng đã mới phải làm nhân viên hợp đồng, phần lớn muốn làm nhân viên chính thức. Ai làm nhân viên hợp đồng 5 năm trở lên ở cùng công ty thì có quyền xin chuyển làm nhân viên chính thức, theo luật lao động. Tuy nhiên làm nhân viên hợp đồng thì có cái lợi lớn nhất, đó là có thể ký hợp đồng lao động cùng lúc với nhiều công ty, nên ai muốn lao động tự do, không ràng buộc nhiều thì thích hình thức lao động này.

Xu hướng chung là nam giới muốn làm nhân viên chính thức, nữ giới đã có gia đình 1 nửa là thích làm nhân viên chính thức, 1 nửa còn lại là thích làm nhân viên phái cử. Nhưng khi xin việc thì không phải cứ thích là được, nó còn là cái duyên, và năng lực của mình. Nếu ai làm công việc phái cử suốt thì khả năng xin việc nhân viên chính thức cũng có vẻ thấp dần đi.

Nguồn sưu tầm (facebook: Mai PB)

 

 

Truy cập: 14322 lượt
Chia sẻ :

♦ Ý kiến của bạn:

© 2013 Đại học Dân Lập Hải Phòng. Thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Thông tin Thư viện.