Chủ nhật, 28/04/2024 - 04:50:08

Thị trường lao động tại Nhật

Sau khi học xong trường tiếng Nhật hoặc trường chuyên môn (semmon), trường ĐH Nhật thì phần nhiều sinh viên nước ngoài sẽ bắt đầu đi tìm việc làm ở Nhật, cũng như đa số du học sinh ở các nước khác. So với khoảng 10 năm trước thì môi trường lao động dành cho người nước ngoài đã nhiều hơn do nhiều nguyên nhân: (1) dân số lao động giảm khiến cho khan hiếm nhân lực (2) nhu cầu phát triển thị trường ra nước ngoài của các công ty Nhật (3) số du học sinh cũng tăng lên đáng kể.

Trong các nguyên nhân trên thì nguyên nhân (1) là chủ yếu, có nghĩa là nước Nhật đành phải nhận người nước ngoài để bù đắp vào sự thiếu hụt nhân công của mình, chứ không phải là họ vui thích hoặc sẵn sàng gì cho môi trường quốc tế gì cả. So với các nước phát triển khác, Nhật vẫn là một thị trường lao động đặc biệt, khó khăn, đóng kín, bởi vì phần lớn khách hàng là người Nhật, là thị trường nội địa, yêu cầu cao về tiếng Nhật, và người Nhật vẫn khá e dè đối với người nước ngoài.

Vì những đặc điểm trên, hiện nay du học sinh VN nếu xin việc thì sẽ có khả năng cao và thoải mái trong những môi trường sau: công việc mang tính chuyên môn (ví dụ: IT, cơ khí, dùng máy tính nhiều), công việc không đòi hỏi tiếng Nhật cao cấp (ví dụ: công việc bàn giấy, sử dụng máy móc, không tiếp xúc với khách hàng), công việc có liên quan đến dùng tiếng Việt (ví dụ: phiên dịch, quản lý thực tập sinh). Trong các loại hình công việc này thì công việc chuyên môn có khả năng có lương cao hơn và phát triển sự nghiệp dễ hơn. Hãy nghĩ xem, sau 10 năm đi làm thì mình sẽ làm công việc gì? Cái đó gọi là career path. Tất nhiên là không phải ai cũng có thể và có nhu cầu phát triển sự nghiệp, nhiều người chỉ cần công việc đơn giản an nhàn, đơn thuần... Ngược lại, những sinh viên nào giỏi tiếng Nhật, thành thạo cả tiếng Anh, tốt nghiệp trường nổi tiếng thì sẽ có khả năng cao xin được công việc đa dạng hơn, hoạt động trong những lĩnh vực khó khăn, công việc lương cao, khả năng phát triển sự nghiệp lớn. Không có rào cản nào đối với xuất thân VN của sinh viên nếu chứng minh được năng lực của mình sau này, nhưng xuất phát điểm, tức là công việc đầu tiên, công ty đầu tiên là cực kỳ quan trọng.

Còn từ phía nhà tuyển dụng, chỉ có công ty lớn thì họ mới lo chuẩn bị career path cho nhân viên bởi vì phòng nhân sự có hẳn 1 chương trình khung cho tất cả các nhân viên. Thậm chí có những công ty quy định nhân viên phải kinh qua nhiều phòng ban, nhiều loại hình công việc khác nhau cứ sau mỗi 2, 3 năm. Trước mắt thì họ tuyển nhân viên chỉ theo nhu cầu trước mắt. Bởi vậy, nếu tốt nghiệp ĐH càng lớn thì khả năng được nhận vào làm việc càng cao. Sau ĐH thì mới đến các sinh viên tốt nghiệp trường chuyên môn (semmon). Về mặt lý thuyết thì học trường chuyên môn sẽ có kỹ năng sử dụng được ngay, nhưng trừ những chuyên môn đặc biệt như vẽ manga, lập trình chuyên nghiệp, trang điểm.... thì phần lớn các ngành nghề khác đều được công ty đào tạo sau khi vào công ty, nên nói chung thì tốt nghiệp ĐH vẫn dễ xin việc hơn. Hãy nhớ điều này để chọn trường sau khi học xong tiếng Nhật.

Về quy trình xin việc, khi sắp tốt nghiệp trường tiếng, hoặc trường semmon, đại học khoảng 1 năm thì nên bắt đầu quá trình tìm hiểu các công ty, ngành kinh doanh (業種 ぎょうしゅ), loại hình công việc (職種 しょくしゅ). Các thầy cô giáo và bản thân trường đều có tư vấn cho sinh viên miễn phí, nhất là các trường ĐH và semmon. Thực tế thì năng lực giới thiệu việc cho sinh viên cũng chính là một tiêu chí quan trọng để đánh giá trường, và đều được công khai ở trang web của trường. Vì vậy khi chọn trường để thi vào thì cũng rất nên xem các thông tin này, thay chỉ xem học phí cao thấp, ngành học gì, địa điểm ở đâu. Ngoài ra, nhiều công ty còn gửi thông báo tuyển dụng đến trường để đón đầu sinh viên, hoặc tổ chức việc giới thiệu công ty ngay tại trường, liên kết với giáo viên để chọn sinh viên tốt, nhận sinh viên có thư giới thiệu (推薦状 すいせんじょう) của giáo viên... Những việc này là tiên tiến và thuận lợi của nền giáo dục Nhật Bản.

Nói tóm lai, cơ hội làm việc ở Nhật rất có sẵn cho mọi đối tượng người VN, nhưng lên được cao hay không là tùy xuất phát điểm và năng lực của mình. Và nên suy nghĩ cả về 10 năm sau của mình nữa để mà chuẩn bị cho một tương lai làm việc lâu dài ở Nhật hay là về VN.

Nguồn sưu tầm (facebook: Mai PB)

 

 

 

Truy cập: 2516 lượt
Chia sẻ :

♦ Ý kiến của bạn:

© 2013 Đại học Dân Lập Hải Phòng. Thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Thông tin Thư viện.